image banner
Lịch sử, truyền thống

Huyện Đắk Song được thành lập theo Nghị định số 30/2001/NĐ-CP ngày 21/6/2001 của Chính phủ trên cơ sở sát nhập 03 xã của huyện Đắk Mil và 02 xã của huyện Đắk Nông cũ, huyện nằm về phía Tây của Tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích tự nhiên là 80.646,24 ha. Bao gồm 09 đơn vị hành chính cấp xã, (gồm Nâm N’Jang, Trường Xuân, Đắk N’Đrung, Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình, Đắk Hòa, Đắk Môl và Thị trấn Đức An), trong đó Trung tâm huyện đóng tại tổ dân phố 3, Thị trấn Đức An. Có địa giới hành chính phía Đông giáp với huyện Đắk Glong và Krông Nô, phía Tây giáp với huyện Tuy Đức và Vương quốc Campuchia, phía Nam giáp với Thành  phố Gia Nghĩa và phía Bắc giáp với huyện Đắk Mil, có hơn 23 km đường biên giới giáp huyện OuReang và huyện Petchămda, tỉnh Mondulkiri, vương quốc Campuchia.

Toàn huyện có 27 dân tộc anh, em cùng chung sống với dân số 85.843 người, trong đó 03 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là Đắk N’Drung, Trường Xuân, Đắk Môl  (chủ yếu là dân tộc M’Nông) và 02 xã biên giới là Thuận Hạnh và Thuận Hà, huyện có 03 tôn giáo được Nhà nước công nhận là: Công giáo, Phật giáo và Tin lành với 42 điểm điểm sinh hoạt, gần khoản 36.000 tín đồ, chiếm khoản 44% dân số trên toàn huyện (Công giáo: 6 giáo xứ, 7 giáo họ, 6 điểm sinh hoạt tập trung; Phật giáo, 7 chùa và 1 thiền viện và 3 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; Tin lành, 6 Chi Hội và 6 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung).

 

Đắk Song có vị trí địa lý nằm trên trục đường QL14 thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế- văn hóa- xã hội giữa các tỉnh Tây Nguyên với nhau và nối Tây Nguyên với Bắc Trung bộ và Đông Nam Bộ. Địa hình Đắk Song chia thành 3 dạng chính, với các tiềm năng thế mạnh khác nhau: địa hình thung lũng nhỏ, hẹp chạy dọc theo các con suối, có thể khai thác để trồng lúa nước, hoa màu; cải tạo để làm du lịch homestay; địa hình đồi núi thấp trung bình, thuộc địa phận các xã Đắk N’Drung, Đắk Môl, Thuận Hạnh, phù hợp với việc trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su; địa hình đồi núi cao, tập trung ở các vùng giáp dãy núi Nâm Nung, đồi núi phía Đông và Tây, chiếm phần lớn diện tích của huyện, thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp. Đắk Song được đánh giá là một huyện có tỷ trọng nông nghiệp lớn, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, địa hình là các dãy núi uốn lượn dọc theo các con suối và nguồn đất đỏ bazan màu mỡ đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho mảnh đất này. Với diện tích tự nhiên 80.646,24 ha, (trong đó: đất nông nghiệp 75.444,08 ha, đất phi nông nghiệp 5.086,34 ha, đất chưa sử dụng 115,82 ha). Để khai thác hết thế mạnh của ngành nông nghiệp, trong những năm qua huyện đã đề ra mục tiêu phát triển mạnh ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo tiền đề vững chắc nhằm đẩy mạnh Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi đã giúp Đắk Song có thể đa dạng các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, mắc ca, cam, chanh dây và cây ngắn ngày gồm: lúa nước, ngô, sắn, khoai lang, bí đỏ ,bắp xú, đậu đỗ, rau củ quả với tổng diện tích gieo trồng hằng năm trên 12.929 ha. Hiện nay Đắk Song đã thực hiện đề án nông nghiệp công nghệ cao, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án mỗi xã một sản phẩm, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, toàn huyện đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP (với các sản phẩm như: Mác ca của Cơ sở Minh Phong, Hồ tiêu của HTX Hoàng Nguyên, Cà phê của cơ sở Đoàn Kết, Sầu Riêng của HTX Hòa Phát, Cà Phê, Hồ Tiêu của Công ty TNHH MTV An Phong, Đông Trùng Hạ Thảo của cơ sở An Tây Nguyên, Thuận Hà). Đặc biệt, Đắk Song nổi tiếng là nơi có diện tích hồ tiêu và sản lượng đi đầu của tỉnh, với diện tích trên 13.000 ha, đạt sản lượng năm 2021 trên 31.000 tấn. Huyện có hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại hai xã Thuận Hạnh và Thuận Hà với diện tích trên 1.500 ha.

Về phát triển thương mại- dịch vụ: Với đặc thù là một huyện có 45 km đường QL14 đi qua đây cũng là một điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh ngành thương mại- dịch vụ. Với các hoạt động đa dạng phong phú như: các cơ sở chế biến nông sản, các doanh nghiệp xăng dầu, xây dựng, sản xuất tinh bột sắn, Công ty gỗ ván ép, sản xuất khí CO2…. Đến năm 2021 tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt ….. tỷ đồng. Hoạt động thương mại- dịch vụ có nhiều khởi sắc, đến nay trên địa bàn huyện có gần 300 công ty, doanh nghiệp và 3.000 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ với tổng mức bán lẻ trên địa bàn đạt 1.620 tỷ đồng đã đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của nhân dân. Đóng góp rất lớn vào nguồn ngân sách của huyện. Hiện nay huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng điện mặt trời, năng lượng điện gió. Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu các nguồn năng lượng từ điện gió, điện mặt trời từ 200-300MW.

Về phát triển du lịch: Đắk Song nằm ở độ cao trung bình khoản từ 500 - 700m so với mực nước biển đã tạo nên nét đặc trưng khí hậu nhiệt đới quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 18 – 28 oC được ví như Đà Lạt 2 do đó rất thuận lợi thu hút phát triển các loại hình du lịch. Nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như: Thác Lưu Ly với quy hoạch khu du lịch sinh thái trên 85 ha; Thiền Viện Trúc Lâm Đạo Nguyên; Rừng thông cảnh quan dọc QL14; khai thác du lịch điện gió với view chek-in đẹp; đặc biệt là Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Nam Nung (xã Nâm N’Jang) rộng trên 12.000ha, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, có tổng diện tích 16.904ha. Đây là một quần thể bao gồm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, với hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng với nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam là một trong những địa điểm hấp dẫn có thể khai thác nhiều loại hình du lịch; Ngoài ra, Khai thác khu du lịch suối khoáng nóng Đắk Môl, thôn Đắk Sơn 1, Xã Đắk Môl, diện tích 8ha, có thể khai thác loại hình du lịch tham quan nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh. Suối khoáng Đắk Môl giàu muối Bicacbonat Natri và Cacbonat Natri, được lấy từ độ sâu 180m trong lòng đất, nhiệt độ nước luôn ổn định ở mức 37 - 40oC nước khoáng còn dùng để sản xuất nước uống trị bệnh và khai thác khí CO2

           Một trong những yếu tố để phát triển khai thác du lịch ở Đắk Song là điểm dừng chân của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sở hữu hơn 100 hang động lớn nhỏ, với quy mô dài và rộng bậc nhất Đông Nam Á, phân bố chủ yếu ở khu vực Krông Nô, phát hiện từ năm 2007 và được Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo; Đắk Song giáp với điểm di sản du lịch núi lửa Thuận An huyện Đắk Mil, nằm sát quốc lộ 14. Đây là một trong 05 ngọn núi lửa trẻ nhất thuộc công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên nền đất đỏ phong hóa từ đá bazan hình thành từ hàng triệu năm trước. Đây được xem là những tiềm năng để phát triển du lịch danh lam thắng cảnh.

Cùng với đó, Đắk Song còn có Các giá trị văn hóa truyền thống, với hơn 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa và hoạt động lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc. Nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng và sinh động đang được bảo tồn như: Cồng chiêng, đàn đá và những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu tre; Hát kể sử thi (Ót N’drong) và dân ca M’nông được công nhận là di sản phi vật thể của Quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay Huyện Đắk Song cũng có những khó khăn nhất định như: nghành nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ bên ngoài do huyện chưa có nhà máy chế biến tại chỗ, các kho, bãi chứa quy mô nhỏ, dẫn đến đầu ra tiêu thụ các sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các thị trường lớn như hệ thống các siêu thị ở các Thành Phố lớn; các điểm trung chuyển chưa tương xứng với tiềm năng nông nghiệp của huyện. Đối với tiềm năng phát triển du lịch: Cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nguồn nhân lực còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa đồng bộ nên chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn đến với Đắk Song./.

ipv6 ready