image banner
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI

Trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, tự do, dân chủ cho Nhân dân giữ vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt; đó chính là mục tiêu, lý tưởng, khát vọng của Người. Tháng 2 năm 1930, khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, phong kiến như Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Độc lập dân tộc gắn liền với tự do dân chủ, trong đó, dân chủ là bước phát triển cao, trở thành mục tiêu, động lực tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, dân chủ là dân làm chủ nước nhà, chủ nhân của đất nước, quyền lực cao nhất của nhà nước thuộc về Nhân dân; đây chính là nội dung, bản chất dân chủ của chế độ chính trị và nhà nước cách mạng Việt Nam. Quan điểm về dân chủ của Người được khẳng định rõ trong bản Hiến pháp năm 1946. Đến bản Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh và nâng cao hơn, cụ thể hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân thông qua cơ quan Nhà nước lập pháp từ Trung ương đến địa phương do dân bầu ra là chủ thể đại diện thực thi quyền quyết định cao nhất những vấn đề hệ trọng của quốc gia chính là giá trị cốt lõi về dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn đề cao vấn đề dân chủ, nhấn mạnh vị trí, vai trò vô cùng to lớn của Nhân dân, vì dân là gốc của nước, là sức mạnh, lực lượng vĩ đại của cách mạng. Dân chủ không chỉ là cơ sở, nền tảng mà còn là mục tiêu, động lực của cách mạng, gốc rễ của đất nước. Người khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”, Nhân dân chính là chủ thể, đại diện cao nhất của quyền lực Nhà nước, phản ánh giá trị lớn lao, sâu sắc tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập nhà nước cách mạng, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Người khẳng định rõ bản chất dân chủ của nhà nước: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ”. Quan điểm dân chủ của Hồ Chí Minh là trên lãnh thổ Việt Nam, mọi quyền hành và lực lượng đều là của Nhân dân, chính Nhân dân tạo ra, do Nhân dân quyết định. Toàn bộ thể chế chính trị dân chủ trong nước phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, quyền quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc.  Trong thể chế chính trị dân chủ, Nhân dân không chỉ nắm giữ quyền lực mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng, củng cố, tăng cường và thực thi quyền lực.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ, phát huy và thực hành dân chủ là mục tiêu, động lực của cách mạng, là lý tưởng, khát vọng cao đẹp của Người để tiến lên xây dựng một xã hội tốt đẹp, xã hội chủ nghĩa. Thực hành dân chủ có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực hành dân chủ là bước phát triển cao của quá trình triển khai thực thi nền dân chủ, đưa quyền làm chủ của Nhân dân vào thực tiễn. Thực hành dân chủ là phát huy sức mạnh to lớn của lực lượng cách mạng, huy động và sử dụng tối đa quyền hạn, lực lượng của toàn dân để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng vì lợi ích của dân tộc và Nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ là phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy tất cả sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ của người dân, tạo nên nguồn lực cách mạng vô cùng to lớn, mạnh mẽ.

Quyền dân chủ và thực hành dân chủ đã được Hồ Chí Minh nêu lên có ý nghĩa, giá trị sâu sắc đối với cách mạng nước ta. Thực hành dân chủ là phải làm cho toàn thể Nhân dân mạnh dạn bày tỏ ý kiến, bộc bạch những suy nghĩ, nói hết những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quan điểm, chính kiến, phải làm cho người dân thật sự được tự do ngôn luận, tư do về tư tưởng. Đây là quyền làm chủ cao nhất, mạnh mẽ nhất và thực hành dân chủ một cách chính đáng của người dân.
         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ của người cán bộ cách mạng chính là gần dân, thân dân, quý dân, trọng dân và gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên cao nhất, đây chính là một tư tưởng lớn, bao trùm, mang tính nhân văn cao cả của Người. Quan điểm này giữ vị trí cốt lõi trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng và chi phối toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.
         Trong 24 năm (1945 - 1969) với cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn thể hiện đậm nét tư tưởng, đạo đức, phong cách dân chủ của một lãnh tụ cách mạng gần dân, thân dân, trọng dân, quý dân, đặt người dân lên địa vị cao nhất đất nước. Lời dạy sâu sắc, quý giá của Hồ Chí Minh là cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hành dân chủ phải gần dân, thân dân, quý trọng Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ, thực hành dân chủ của Nhân dân; tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, phải khiêm tốn, gần gũi, không được kiêu ngạo trước Nhân dân và yêu cầu Đảng phải lựa chọn cán bộ là những người có tinh thần dân chủ, ý thức thực hành dân chủ và phải gắn bó mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “tấm gương rèn luyện để có tác phong gần dân, hiểu dân, vì dân; gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày” trước Nhân dân. Trong thực hành dân chủ, “Phong cách đẹp nhất, có giá trị nhất của Hồ Chí Minh là phong cách quần chúng, tức là tin dân, trọng dân, gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, giải thích cho dân, dựa vào dân, sống trong lòng dân, thực hành dân chủ, dân vận, làm gương để dân noi theo…”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng về dân chủ, một biểu tượng đẹp đẽ, cao quý về đạo đức, phong cách dân chủ và thực hành dân chủ, ngọn cờ dẫn dắt nền dân chủ, thực hành dân chủ trong Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, toàn dân noi theo. Người không ngừng học hỏi ở Nhân dân, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của Nhân dân. Học hỏi ở dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để thấu hiểu ý dân, nhu cầu, mong muốn của dân là đạo đức, phong cách dân chủ cao đẹp của Người. Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên khi đến với dân, tiếp xúc, trao đổi với Nhân dân phải chú ý học hỏi dân: “Chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng… phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng” đó chính là phương cách thực hành dân chủ. Dân chủ, thực hành dân chủ theo Hồ Chí Minh là phải kiên quyết xử lý, giải quyết triệt để những phản ánh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Người yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải giải quyết thỏa đáng nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của Nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách dân chủ, thực hành dân chủ, thể hiện một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu về đạo đức, phong cách gần dân, thân dân, trọng dân, quý dân, trọn đời tận tụy phục vụ Nhân dân. Khiêm tốn lắng nghe Nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu, bức xúc của Nhân dân là biểu tượng cao đẹp, quý giá của tư tưởng, đạo đức, phong cách dân chủ, thực hành dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dân chủ, thực hành dân chủ trong Đảng, Nhà nước, trong Nhân dân và xã hội gắn với kỷ cương, kỷ luật, thực thi hiến pháp, pháp luật, dân chủ tập trung, dân chủ có tổ chức, lãnh đạo… là quan điểm lớn, nhất quán, xuyên suốt của Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ và thực hành dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân phải gắn liền, tiến hành đồng thời với tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương, chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước dân chủ Nhân dân nhất thiết phải đảm bảo pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Người chủ trương sớm xây dựng hiến pháp, hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương là nhân tố, điều kiện vững chắc để phát huy và thực hành dân chủ, làm cho người dân thực hiện quyền dân chủ sâu rộng trong thực tế. Dân chủ và pháp chế, kỷ cương có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ, biện chứng với nhau. Dân chủ không thể tách rời pháp chế, đảm bảo kỷ cương; ngược lại pháp chế và kỷ cương phải đặt trên cơ sở, nền tảng của dân chủ. Kỷ cương, pháp luật phải được xây dựng và thực thi bằng phương thức dân chủ, thông qua quá trình phát huy dân chủ, thực thi dân chủ trong Nhân dân. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, pháp chế và kỷ cương của Nhà nước cách mạng là nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa được thực thi bởi quyền làm chủ của Nhân dân. Do vậy, dân chủ luôn thống nhất hữu cơ với chuyên chính.
         Quan điểm Hồ Chí Minh về dân chủ, thực hành dân chủ phải gắn bó mật thiết, chặt chẽ với kỷ cương, pháp chế chính là thanh gươm sắc bén chống lại các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền dân chủ và pháp chế của Nhà nước cách mạng, Nhà nước dân chủ Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kết hợp chặt chẽ, hài hòa, thống nhất giữa thực hành dân chủ với chấp hành hiến pháp, pháp luật; xây dựng mối quan hệ hữu cơ giữa phát huy dân chủ, thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương, phép nước, kỷ luật của xã hội. Dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển đất nước, tiến bộ xã hội, giải phóng con người. Hiến pháp, pháp luật là phương tiện, công cụ sắc bén bảo vệ vững chắc nền dân chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân. Xây dựng xã hội dân chủ, quá trình phát huy, thực hành dân chủ ngày càng sâu rộng trong khuôn khổ hiến pháp, hệ thống pháp luật ngày một hoàn chỉnh, chặt chẽ là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm, trong quá trình phát huy dân chủ, thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong xã hội, Đảng và Nhà nước cách mạng giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, là chủ thể quyết định thành bại đối với quá trình thực thi nền dân chủ.

Dân chủ càng cao sẽ càng hạn chế độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ và đưa đến sự tập trung càng vững chắc. Vì vậy, dân chủ phải đi đôi với tập trung, dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung và tập trung trên cơ sở, nền tảng dân chủ. Người yêu cầu tổ chức đảng, các cấp ủy cần tăng cường thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị. Những định hướng, chỉ dẫn sâu sắc, quý giá của Người chính là phương cách tốt nhất, hiệu quả nhất nhằm phát huy quyền làm chủ, thực hành dân chủ và thể hiện trách nhiệm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống lại sự độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải thực hành dân chủ rộng rãi trên cơ sở chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, những quy định của Đảng, kỷ luật Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện đất nước, Đảng lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị, chịu trách nhiệm cao nhất trước Nhân dân về tiền đồ, vận mệnh đất nước. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu thực hành dân chủ trong Đảng phải gắn với mở rộng thực hành dân chủ trong các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ, thực hành dân chủ của các cơ quan, tổ chức dân cử: Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng. 

Trong toàn bộ hệ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, con người giữ vị trí, vai trò trung tâm. Cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng con người; trong đó, giải phóng toàn diện, triệt để con người là mục tiêu cao nhất. Con người phải được giải phóng cả về vật chất lẫn tinh thần, năng lực, trí tuệ, tri thức… Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng con người, đặc biệt đề cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhân tài - người tài đức và trọng dụng, sử dụng hiệu quả người tài đức.

 Nhân tài - người tài đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải đảm bảo hội đủ hai yếu tố cơ bản: tài năng và đức độ, phải “vừa hồng - vừa chuyên”, tài và đức phải vẹn toàn. Người tài là người có năng lực cao, có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách nhanh nhất, tốt nhất và chất lượng, hiệu quả nhất.
         Đức là đạo đức, người có đức là người có đạo đức, đức độ, có uy tín, danh dự, có nhân phẩm, phẩm chất, giá trị cao đẹp, hội đủ 3 yếu tố “chân, thiện, mỹ”. Người có đức là người nhân ái, nhân văn, luôn yêu thương, quý trọng con người, đồng bào, dân tộc, Tổ quốc và cao hơn là nhân loại. Người có đức là người luôn khiêm tốn, cầu thị, có ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên trong học tập, lao động, nâng cao trình độ, tri thức, năng lực, không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để hoàn thiện bản thân. Hồ Chí Minh quan niệm, người có đức phải vươn tới bước phát triển cao hơn, đó là đạo đức cách mạng, phải tự rèn luyện, bồi dưỡng cho mình đầy đủ những chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cộng sản.
         Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm, người tài đức là người Việt Nam ở ba miền Bắc, Trung, Nam, người Việt sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, lập trường chính trị, thành phần giai cấp.

Quan điểm Hồ Chí Minh về người tài đức là người giàu lòng yêu nước, thương dân, trung với nước, hiếu với dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên cao nhất, luôn day dứt, trăn trở, tâm huyết với tiền đồ, vận mệnh đất nước, đau xót trước nỗi đau mất nước, thân phận nô lệ của dân tộc, trước sự nghèo nàn, lạc hậu của nước nhà, thua kém bè bạn năm châu.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đức và tài có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau; trong đó, đức là gốc, là nền tảng, gốc rễ.

Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tư duy đúng đắn, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người tài đức, về nhiệm vụ thu phục, tìm kiếm người tài đức; đồng thời, nhận thức sâu sắc, thấu đáo vai trò quan trọng của nhân tài đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.   

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay, chúng ta cần xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực trong đời sống, cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra, thực hiện hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.      

Phát huy trong đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI là nhiệm vụ cần được triển khai thường xuyên, gắn liền với nội dung tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đây là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức huyện Đắk Song phát huy ý thức, trách nhiệm, tâm huyết, tinh thần cống hiến, phát huy dân chủ, thu hút, trọng dụng, sử dụng hiệu quả, sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao… góp phần xây dựng huyện Đắk Song văn minh, hiện đại.

ipv6 ready